Mới ra trường ít kinh nghiệm, ít kiến thức chuyên môn thì làm sao để Sếp đánh giá cao, đồng nghiệp yêu quý, dễ được trọng dụng? Dưới đây là những điều mà mình nghĩ bất kỳ bạn nào cũng có thể học và áp dụng, ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm gì trong tay.
1. Thái độ làm việc
Ai cũng nói nhiều về thái độ làm việc rồi nhưng cụ thể thì như thế nào? Với mình thì thái độ làm việc ở đây không phải là ngoan, răm rắp nghe lời hay phải xu nịnh gì ai. Thái độ làm việc ở đây là bạn hãy nghiêm túc, chuyên nghiệp, chỉn chu trong công việc. Ví dụ, đi làm đúng giờ, nộp deadline đúng hạn, tác phong lịch sự, sắp xếp công việc sao cho tốt, đừng nửa đêm ú òa Sếp và đồng nghiệp cứu net. Trao đổi với đồng nghiệp trên tinh thần đóng góp, xây dựng, … đã là rất tốt rồi.
2. Chủ động
Sếp nào cũng cưng những nhân viên chủ động trong công việc hết.
Ví dụ như chủ động nhận 1 số task bạn cảm thấy bạn làm được hoặc có thể giúp đỡ mọi người. Khi được giao task thì đánh giá trước khối lượng công việc, nếu thấy nhiều quá thì chủ động báo lại về mặt thời gian. Cảm giác sẽ chậm deadline thì báo trước vài ngày để mọi người nắm được, nêu lý do chính đáng. Hoàn thành công việc đến đâu thì báo cáo đến đó theo giai đoạn. Phần nào không hiểu thì hỏi ngay, gặp khó khăn gì thì ới luôn một tiếng để mọi người giúp đỡ. Đừng để đến lúc Sếp hỏi, đồng nghiệp ping mới báo “em không hiểu chỗ này nên chưa xong, em khó chỗ này nên chưa làm được”. Ngoài ra có thể chủ động làm thêm 1 số việc ngoài mong đợi của Sếp.
3. Kỹ năng nghe và đặt câu hỏi
Mọi người trao đổi gì thì nghe kỹ, khi nhận việc thì có thể chủ động hỏi lại: “Em hiểu như thế này đã đúng chưa ạ? Em cần gửi file A gồm các mục b,c,d vào ngày xyz đúng chứ ạ?” Vừa giúp mình xác nhận lại yêu cầu, tránh khi Sếp nhớ nhầm lại trách tội, vừa để mình rõ ràng ý Sếp hay đồng nghiệp, tránh trường hợp “em tưởng anh/chị bảo …”.
4. Quản lý cảm xúc
Thực sự rất rất quan trọng. Hãy chuyên nghiệp kể cả trong cảm xúc. Những người làm việc cùng bạn, khách hàng của bạn không có tội và họ không cần phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc đấy. Một số trường hợp khác thì làm việc theo cảm xúc, vui thì làm, không vui để đấy. Một vài lần “buồn quá không làm việc được” thì người khác có thể thông cảm, nhưng nhiều lần quá thì chắc Sếp sẽ cho bạn nghỉ để tuyển người “ít buồn” hơn làm việc đó nha.
5. Quản lý thời gian, mục tiêu cá nhân và công việc
Một số trường hợp nhân viên rõ ràng có kỹ năng có thể hoàn thành công việc, năng lực cũng ổn, nhưng bằng cách nào đó mà các bạn ấy luôn chậm deadline, task làm không tới nơi tới chốn.Bạn nghĩ đời sống cá nhân không ảnh hưởng đến công việc nhưng thực ra ảnh hưởng nhiều đó.Thế nên chừng nào bạn học cách sắp xếp đời sống của mình tốt hơn thì chừng đó bạn sẽ làm việc tốt hơn.
6. Tư duy phản biện
Cực kỳ quan trọng. Rèn luyện tư duy phản biện sẽ giúp bạn có góc nhìn đa chiều, tự tin hơn về bản thân, biết cách phản biện trong các cuộc họp. Tham chiếu, tham chiếu và tham chiếu.
7. Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình
Kỹ năng giao tiếp ở đây không cần bạn phải là người nói nhiều, hoạt ngôn hay giỏi nịnh bợ. Mà là lắng nghe đúng lúc, hỏi đúng chỗ, phản biện đúng, tư duy đúng. Nói sao cho đơn giản mà người nghe hiểu được ý của mình, truyền đạt sao cho hiệu quả mà không làm đối phương cảm giác không tốt. Kỹ năng thuyết trình sẽ giúp bạn ở nhiều tình huống bạn không ngờ tới đó.
8. Tự động viên và nhận thức bản thân
Được khen không kiêu, thất bại không nản chí. Bị chê thì nhìn nhận những điều tốt và từ chối những điều tiêu cực. Rất nhiều bạn thiếu kỹ năng này nên khi làm một việc gì đó đạt hiệu quả tốt thì rất vui, nhưng khi không về KPI, khi bị Sếp chê 1 chút thì dễ bị nản lòng, thoái chí, mất động lực làm việc.
>>> Click ngay: https://vienyduocquandany.vn/tin-tuyen-dung ứng tuyển Job ngon tại đây để được học hỏi thêm nhiều kỹ năng mềm nhé.